AI CÓ QUYỀN TRIỆU TẬP HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG?

TTS pháp lý: Nguyễn Huỳnh My Ny

Đại hội đồng cổ đông và cuộc họp Đại hội đồng cổ đông là một thành phần quan trọng trong của Công ty Cổ phần. Đại hội đồng cổ đông được triệu tập họp thường niên mỗi năm một lần. Tuy nhiên, ngoài cuộc họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông có thể họp bất thường. Vậy khi nào được triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông?, và chủ thể này có quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông? Hãy cùng VLM tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.  

Ai có quyền triệu tập Đại Hội đồng cổ đông?

Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về những trường hợp và các chủ thể tương ứng có quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, cụ thể như sau:

1. Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị có quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và bất hường. Đối với cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, ngoài những trường hợp triệu tập họp theo quy định của Điều lệ công ty, Hội đồng quản trị triệu tập họp nếu rơi vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:

(i) Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty;

(ii) Số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật;

(iii) Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty;

(iv) Theo yêu cầu của Ban kiểm soát;

Bên cạnh đó, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 30 ngày kể từ này xảy ra các trường hợp (ii), (iii), (iv). Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty.

2. Ban kiểm soát

Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định, trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, Ban kiểm soát thay thế Hội đồng quản trị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật này. Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định thì Ban kiểm soát phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty. (Khoản 3 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020)

Như vậy, Ban kiểm soát có nghĩa vụ tiếp nhận trách nhiệm và quyền hạn để tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong tình huống mà Hội đồng quản trị không thực hiện việc triệu tập một cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, đặc biệt là khi thời hạn triệu tập theo quy định của Hội đồng quản trị đã hết.

3. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông

Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo đúng quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông theo quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 có quyền đại diện công ty triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định bổ sung, Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau:

– Ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo đúng quy định (khoản 3 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020)

– Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao (khoản 3 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020)

Như vậy, các chủ thể có quyền được triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông được quy định tại khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm: (1) Hội đồng quản trị; (2) Ban kiểm soát; (3) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan về Chủ thể có quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông VLM Law Firm gửi đến bạn đọc.


Nếu bạn cần Tư vấn hoặc Hỗ trợ Dịch vụ trọn gói, vui lòng liên hệ với VLM Law Firm thông qua các kênh sau:

  • Số điện thoại: 0977 364 568 (có thể nhắn trên Zalo)
  • Đến trực tiếp tại Văn phòng: 14 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Hoặc bạn BẤM VÀO ĐÂY để điền thông tin, VLM Law Firm sẽ gọi lại cho bạn nhé!
4.9/5 - (11 bình chọn)
VLM: