CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI PHẢI LÀM GÌ ĐỂ KINH DOANH BÁN LẺ

Ngày nay, có nhiều Công ty có vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam để kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có hoạt động kinh doanh bán lẻ. Tuy nhiên, để có thể thực hiện hoạt động này thì Công ty có vốn nước ngoài cần phải làm gì? Thắc mắc trên sẽ được VLM trả lời qua bài viết dưới đây.

1. Quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh bán lẻ

Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”.

Công ty có vốn nước ngoài khi hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam cần thành lập cơ sở bán lẻ. Theo khoản 8, 10, 11 và 12 Điều 9 Nghị định này, “Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ”. Hiện nay, cơ sở bán lẻ có 03 hình thức:

– Cửa hàng tiện lợi: Là cơ sở bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm: Thực phẩm, đồ uống, dược phẩm không kê đơn, thực phẩm chức năng và các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác phục vụ tiêu dùng hàng ngày.

– Siêu thị mini: Là cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2 và thuộc loại hình siêu thị tổng hợp theo quy định pháp luật.

– Trung tâm thương mại: Là địa điểm bao gồm nhiều cơ sở bán lẻ và cung cấp dịch vụ được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề.

Như vậy, tùy theo mục đích, nhu cầu và quy mô kinh doanh mà Công ty có vốn nước ngoài chọn hình thức cơ sở bán lẻ cho phù hợp.

2. Điều kiện để Công ty có vốn nước ngoài kinh doanh bán lẻ

Theo khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, Công ty có vốn nước ngoài là một loại hình của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Để có thể kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam, Công ty có vốn nước ngoài cần phải có Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Thủ tục xin cấp hai loại Giấy phép này có thể được thực hiện đồng thời.

Lưu ý: Hàng hóa dùng để kinh doanh bán lẻ phải là những hàng hóa hợp pháp, không thuộc trường hợp bị cấm mua bán và cấm lưu hành tại Việt Nam.

Để được cấp Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ, Công ty có vốn nước ngoài cần đáp ứng đủ các điều kiện luật định.

a. Điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh

Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, để được cấp Giấy phép kinh doanh thì Công ty có vốn nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, nếu Công ty có vốn nước ngoài thuộc quốc gia tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì:

– Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

– Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

– Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

Thứ hai, nếu Công ty có vốn nước ngoài không thuộc quốc gia tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hoặc dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì phải đáp ứng các tiêu chí và điều kiện sau:

– Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

– Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

– Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;

– Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;

– Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;

– Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Thứ ba, đối với trường hợp kinh doanh bán lẻ hàng hóa chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

– Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

– Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;

– Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;

– Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;

– Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Đối với hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn Xem xét cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn khi công ty có vốn nước ngoài có thực hiện một trong các hoạt động sau:

– Sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam;

– Sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.

Đối với hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí Xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ khi Công ty có vốn nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.

Đối với trường hợp thứ hai và thứ ba ở trên sẽ được Bộ Công thương, bộ quản lý ngành căn cứ vào nội dung tại Điều 10 Nghị định 09/2018/NĐ-CP để xem xét chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh.

b. Điều kiện để được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

Căn cứ theo Điều 22 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, để được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thì Công ty có vốn nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

Trường hợp lập cơ sở bán lẻ thứ nhất phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ;

– Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;

– Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý.

Trường hợp lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Nếu không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế:

+ Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ;

+ Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;

+ Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý.

– Nếu phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế:

+ Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ;

+ Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;

+ Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý;

+ Đáp ứng tiêu chí Kiểm tra nhu cầu kinh tế được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn căn cứ vào nội dung quy định tại Điều 25 Nghị định này để xem xét chấp thuận cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.

3. Hồ sơ và trình tự cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

a. Hồ sơ cấp cấp Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

– Bản giải trình quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này;

– Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn;

– Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).

– Đơn đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ;

– Bản giải trình theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định này;

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập cơ sở bán lẻ (nếu có).

b. Trình tự cấp Giấy phép kinh doanh đồng thời với Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

Trình tự cấp Giấy phép kinh doanh đồng thời với Giấy phép lập cơ sở bán lẻ được quy định tại Điều 13, 28 và khoản 2 Điều 20 Nghị định 09/2018/NĐ-CP gồm các bước sau:

Giấy phép kinh doanh

Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

Bước 1: Gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép.

Bước 2: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.

Bước 3: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều kiện tương ứng quy định tại Điều 9 Nghị định này như sau:

– Nếu không đáp ứng: Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

– Nếu đáp ứng:

+ Đối với hoạt động kinh doanh ở điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này: Cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động kinh doanh. Trường hợp từ chối cấp phép, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

+ Đối với hoạt động kinh doanh ở điểm a hoặc b khoản 3 Điều 8 Nghị định này: Lấy ý kiến Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành.

Bước 4: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành ra văn bản chấp thuận hoặc từ chối cấp Giấy phép kinh doanh.

Bước 5: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành, Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép kinh doanh.

Bước 1: Gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép.

Bước 2: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.

Bước 3: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này:

– Nếu không đáp ứng: Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

– Nếu đáp ứng: Lấy ý kiến Bộ Công Thương theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định này.

Bước 4: 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận hoặc từ chối cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.

Bước 5: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.

Trên đây là các quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục để Công ty có vốn nước ngoài có thể kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam.

Nếu bạn cần Tư vấn hoặc Hỗ trợ Dịch vụ trọn gói, vui lòng liên hệ với VLM Law Firm thông qua các kênh sau:

  • Số điện thoại: 0977 364 568 (có thể nhắn trên Zalo)
  • Đến trực tiếp tại Văn phòng: 14 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Hoặc bạn BẤM VÀO ĐÂY để điền thông tin, VLM Law Firm sẽ gọi lại cho bạn nhé!

Đánh giá của bạn
VLM 2: