BẤT ĐỒNG QUAN ĐIỂM, RÚT VỐN KHỎI CÔNG TY ĐƯỢC KHÔNG?

TTS pháp lý: Nguyễn Huỳnh My Ny

Việc góp vốn trong các loại hình doanh nghiệp đã được pháp luật quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 một số văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên trên thực thế vẫn còn nhiều người chưa nắm rõ các quy định này, dẫn đến họ lúng túng khi xảy ra các vấn đề liên quan đến phần vốn góp của mình. Một trong số các vấn đề mà VLM nhận được nhiều nhất khi tư vấn cho khách hàng là liệu trong quá trình làm việc phát sinh mâu thuẫn, bất đồng quan điểm thì có được rút vốn khỏi công ty được không?

Trong bài viết này, hãy cùng VLM tìm hiểu và giải đáp vấn đề này nhé.

Bất đồng quan điểm, rút vốn khỏi công ty được không?

1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên

Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên công ty không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ một số trường hợp sau:

(i) Yêu cầu công ty mua lại phần vốn đã góp (Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020)

Thành viên công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình trong trường hợp thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về các vấn đề sau đây:

– Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;

– Tổ chức lại công ty;

– Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu mua lại phần vốn góp của thành viên, công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc được xác định theo nguyên tắc quy định tại điều lệ công ty, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận được về giá.

(ii) Xử lý vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt (Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2020)

– Sau khi yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp, nếu công ty không thanh toán được phần vốn góp này thì thành viên có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty (khoản 3 Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020)

– Rút vốn dưới hình thức tặng cho phần vốn góp cho người khác theo quy định tại khoản 6 Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2020

– Rút vốn dưới hình thức trả nợ bằng phần vốn góp theo quy định tại khoản 7 Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2020

(iii) Chuyển nhượng phần vốn góp (Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020)

Ngoài cách xử lý vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt mà VLM đã đề cập ở trên, thành viên công ty có thể chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:

– Chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán.

– Chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại cho người không phải thành viên.

Như vậy, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên không được trực tiếp rút vốn đã góp ra khỏi công ty trừ trường hợp yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, chuyển nhượng phần vốn góp và một số trường hợp đặc biệt theo luật định.

2. Công ty Cổ phần

Căn cứ theo Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông trong công ty cổ phần không được rút vốn đã góp bằng cổ phần ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Cụ thể:

(i) Yêu cầu công ty mua lại số cổ phần đã góp (Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020)

Cổ đông công ty có thể yêu cầu công ty mua lại số cổ phần của mình đã góp trong trường hợp cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề này, cổ đông phải tiến hành yêu cầu mua lại cổ phần bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại.

Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

(ii) Chuyển nhượng phần vốn góp cho các cổ đông khác

Trường hợp Điều lệ công ty không quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần, cổ đông có thể thực hiện rút vốn bằng cách chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho cổ đông khác. Đồng thời, cổ đông phải đáp ứng được các điều kiện sau:

– Cổ phần được chuyển nhượng là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi cổ tức (khoản 1 Điều 115, khoản 2 Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020)

– Nếu là cổ đông sáng lập, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp GCNĐKDN, thì được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông khác không phải cổ đông sáng lập khi có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông (Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020).

Vậy sau thời hạn 03 năm, các hạn chế về việc chuyển nhượng được bãi bỏ, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người khác mà không cần sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

(iii) Chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác không phải cổ đông của công ty

Trừ quy định hạn chế của cổ đông sáng lập đã được đề cập ở trên hoặc Điều lệ công ty quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần, cổ đông được phép tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác.

Như vậy, cổ đông trong công ty cổ phần không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ một số trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần như trên.

3. Công ty hợp danh

Đối với thành viên hợp danh, Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, theo đó thành viên hợp danh có quyền rút vốn ra khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp nhận. Trong trường hợp này, thành viên muốn rút vốn phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất là 6 tháng trước ngày rút vốn, lưu ý chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã thông qua.

Đối với thành viên góp vốn, theo khoản 1 Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên góp vốn có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp không giới hạn hoạt động chuyển nhượng này như đối với thành viên hợp danh, thành viên góp vốn có thể chuyển nhượng cho bất kì người nào mà không cần sự cho phép của công ty. Do đó, nếu thành viên góp vốn muốn rút vốn thì chuyển nhượng cho người khác và tiến hành lập hợp đồng chuyển nhượng.

Như vậy, với loại hình doanh nghiệp mang tính chất đối nhân như Công ty hợp danh, thành viên hợp danh có quyền rút vốn ra khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp nhận; thành viên góp vốn được tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình.

Tóm lại, các chủ thể góp vốn vào doanh nghiệp không đương nhiên có quyền rút vốn ra khỏi doanh nghiệp khi phát sinh mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, và quyền rút vốn ra khỏi công ty sẽ được xác định dựa vào từng loại hình doanh nghiệp mà bạn đầu tư.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan về Bất đồng quan điểm, rút vốn khỏi công ty được không? VLM Law Firm gửi đến bạn đọc. 


Nếu bạn cần Tư vấn hoặc Hỗ trợ Dịch vụ trọn gói, vui lòng liên hệ với VLM Law Firm thông qua các kênh sau:

  • Số điện thoại: 0977 364 568 (có thể nhắn trên Zalo)
  • Đến trực tiếp tại Văn phòng: 14 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Hoặc bạn BẤM VÀO ĐÂY để điền thông tin, VLM Law Firm sẽ gọi lại cho bạn nhé!
Đánh giá của bạn
VLM: