TTS pháp lý: Nguyễn Vũ Thanh Hoa
Tăng vốn điều lệ là một trong những cách thức doanh nghiệp tiến hành khi muốn mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh. Vậy Công ty phải làm gì khi tăng vốn điều lệ theo quy định pháp luật? Bài viết sau đây của VLM Law Firm sẽ trả lời giúp bạn câu hỏi này.
1. Tăng vốn điều lệ đối với Công ty cổ phần
Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng các hình thức sau::
– Chào bán cổ phần: Căn cứ Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có thể chào bán cổ phần bằng các hình thức sau:
+ Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
+ Chào bán cổ phần riêng lẻ;
+ Chào bán cổ phần ra công chúng.
Lưu ý: Công ty phải thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần.
– Các hình thức khác: Ngoài việc chào bán cổ phần, công ty cổ phần còn có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chi trả cổ tức bằng cổ phần (Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020). Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 4 Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định thời hạn đăng ký thay đổi vốn điều lệ kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần, từ đó có thể hiểu việc phát hành trái phiếu chuyển đổi cũng có thể làm tăng vốn điều lệ.
Về hồ sơ tăng vốn điều lệ, công ty gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính. hồ sơ bao gồm các giấy tờ được quy định cụ thể tại Khoản 1, 3 Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
2. Tăng vốn điều lệ đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác (Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020).
Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng hình thức huy động thêm vốn góp của người khác, công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Về hồ sơ tăng vốn điều lệ, công ty gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính, thành phần hồ sơ được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
3. Tăng vốn điều lệ đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty có thể tăng vốn điều lệ bằng cách tăng vốn góp của thành viên, tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày việc tăng vốn điều lệ đã được thanh toán xong, công ty phải thông báo bằng văn bản về tăng vốn điều lệ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, nội dung thông báo được quy định tại Khoản 4 Điều 68 Luật Doanh nghiệp hiện hành. Ngoài ra tại Khoản 5 điều này quy định kèm theo thông báo trên phải gồm nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên.
Về hồ sơ tăng vốn điều lệ, công ty gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính theo quy định tại Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
4. Tăng vốn điều lệ đối với Công ty hợp danh
Căn cứ Khoản 1 Điều 186 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc có thể tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn (việc tiếp nhận thành viên mới của công ty phải được Hội đồng thành viên chấp thuận).
Việc tiếp nhận thành viên hợp danh mới, công ty hợp danh gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Về hồ sơ tăng vốn điều lệ, công ty gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Nếu việc tăng vốn điều lệ dẫn tới thay đổi phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên hợp danh thì công ty sẽ phải thực hiện hồ sơ theo Khoản 2 Điều này.
Ngoài các cách tăng vốn điều lệ như trên, công ty còn có thể tăng vốn điều lệ bằng cách vay vốn, công ty có thể chuyển đổi khoản vay thành vốn góp; về bản chất, việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp là một cách thức để tăng vốn điều lệ của công ty lên bằng với vốn điều lệ cũ cộng với khoản vay được chuyển đổi. Hiện nay, pháp luật hiện hành không có quy định cấm việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp cũng như không có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuyển đổi này. Ngoài ra, căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 34 Thông tư 12/2022/TT-NHNN: “b) Trả nợ thông qua việc bên cho vay và bên đi vay thỏa thuận chuyển đổi dư nợ thành cổ phần hoặc phần vốn góp trong bên đi vay;” Theo đó, các bên hoàn toàn có thể thống nhất chuyển khoản vay thành vốn góp.
Trên đây là bài viết của VLM Law Firm về Công ty phải làm gì khi tăng vốn điều lệ? Hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn.
Nếu bạn cần Tư vấn hoặc Hỗ trợ Dịch vụ trọn gói, vui lòng liên hệ với VLM Law Firm thông qua các kênh sau:
- Số điện thoại: 0977 364 568 (có thể nhắn trên Zalo)
- Đến trực tiếp tại Văn phòng: 14 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hoặc bạn BẤM VÀO ĐÂY để điền thông tin, VLM Law Firm sẽ gọi lại cho bạn nhé!