TTS pháp lý: Hồ Thị Ngọc Nhi
Nhượng quyền thương mại (hay còn gọi là franchise) đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Một số mô hình nhượng quyền thương mại tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam phải kể đến như Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô Bakery, thời trang Ninomaxx, kinh doanh cà phê Bobby Brewers…Việc phát triển kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại mang lại nhiều lợi ích cho bên nhượng quyền cũng như bên nhận nhượng quyền thương mại. Như vậy, nhượng quyền thương mại là gì? điều kiện để được nhượng quyền thương mại tại Việt Nam như thế nào? Hãy cùng VLM Law Firm tìm hiểu vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
1. Nhượng quyền thương mại là gì?
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
(i) Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
(ii) Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
(Điều 284 Luật thương mại 2005)
2. Điều kiện để nhượng quyền thương mại?
Nghị định 35/2006/NĐ-CP đã quy định các điều kiện khi nhượng quyền thương mại mà bên nhượng quyền và bên nhận quyền cần phải đáp ứng, cụ thể:
– Điều kiện đối với bên nhượng quyền:
Theo quy định của Nghị định 35/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP, điều kiện để được nhượng quyền thương mại là khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền được hoạt động ít nhất 01 năm (Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP).
Như vậy, Bên nhượng quyền cần lưu ý rằng, điều kiện này áp dụng đối với hệ thống kinh doanh, không phải đối với thương nhân. Mốc thời gian 01 năm được tính từ ngày cấp Giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh của cửa hàng đầu tiên thuộc hệ thống kinh doanh của thương nhân, đồng thời cửa hàng và hệ thống kinh doanh đó phải triển khai hoạt động kinh doanh thực sự trong thực tế.
– Điều kiện đối với Bên nhận quyền:
Điều 6 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại. Tuy nhiên, khi Nghị định 08/2018/NĐ-CP ra đời đã bãi bỏ điều kiện nêu trên, theo đó chủ thể này được tự do tham gia vào quan hệ nhượng quyền thương mại mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều kiện nào.
Mặc dù các quy định pháp luật hiện nay không đặt ra các yêu cầu đối với bên nhận quyền trong hoạt động nhượng quyền. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, bên nhượng quyền hoàn toàn có thể thỏa thuận các điều kiện chặt chẽ đối với bên nhận quyền.
3. Hình thức và nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại
3.1. Hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Điều 285 Luật Thương mại 2005 quy định Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Khi nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền có thể phải chia sẻ cho bên nhận quyền các thông tin như bí quyết kinh doanh, bí mật thương mại, những thông tin này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống nhượng quyền. Việc thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương thường khiến cho bên nhượng quyền e ngại vì sẽ dễ dẫn đến rủi ro bị rò rỉ thông tin.
Tuy nhiên, đây là một trong các nội dung của hợp đồng nhượng quyền, do đó, những nội dung này phải được thể hiện dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Để giải quyết vấn đề này, bên nhượng quyền có thể đưa ra các điều khoản về bảo mật thông tin và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bí mật kinh doanh bị bên nhận quyền làm lộ cho bên thứ ba.
3.2. Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Điều 11 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định đến các nội dung cần có của một hợp đồng nhượng quyền thương mại, bao gồm:
(i) Nội dung của quyền thương mại;
(ii) Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền;
(iii) Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền;
(iv) Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán; Thời hạn hiệu lực của hợp đồng;
(v) Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
Nếu bạn cần Tư vấn hoặc Hỗ trợ Dịch vụ trọn gói, vui lòng liên hệ với VLM Law Firm thông qua các kênh sau:
- Số điện thoại: 0977 364 568 (có thể nhắn trên Zalo)
- Đến trực tiếp tại Văn phòng: 14 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hoặc bạn BẤM VÀO ĐÂY để điền thông tin, VLM Law Firm sẽ gọi lại cho bạn nhé!