GÓP VỐN BẰNG NHÀ ĐẤT, CĂN HỘ CHUNG CƯ ĐƯỢC KHÔNG?

TTS pháp lý: Nguyễn Thị Kiều Trinh

Góp vốn được hiểu là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Đối với các doanh nghiệp, việc này giúp tăng vốn điều lệ của công ty để xử lý các vấn đề phát sinh, mở rộng doanh nghiệp,….Vậy góp vốn bằng nhà đất, căn hộ chung cư được không? Hãy cùng VLM LAW FIRM tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Góp vốn bằng nhà đất, căn hộ chung cư được không?

1. Khái quát chung

“Nhà đất” là thuật ngữ để chỉ tài sản bất động sản, bao gồm cả nhà cửa và đất đai. Trong khi đó, căn hộ chung cư nằm trong nhà chung cư hoặc nhà chung cư hỗn hợp, phục vụ mục đích để ở cho một gia đình, cá nhân hay tập thể.

Căn cứ tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tài sản góp vốn như sau:

“1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, từ quy định trên có thể thấy, tài sản góp vốn bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Chính vì vậy, nhà đất, căn hộ chung cư có thể trở thành tài sản góp vốn nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện góp vốn bằng nhà ở

2.1. Điều kiện chung về góp vốn bằng nhà ở

Căn cứ Điều 150 Luật Nhà ở 2014 thì chủ sở hữu nhà ở hoặc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có quyền góp vốn bằng nhà ở để tham gia hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm kinh doanh tại nhà ở đó, nhà ở đưa vào góp vốn phải là nhà ở có sẵn và đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;

– Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;

– Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.

2.2. Góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu chung

Điều 151 Luật Nhà ở 2014 quy định: Việc góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu chung phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu chung. Khi đó, họ cùng ký vào hợp đồng góp vốn bằng nhà ở hoặc có thể thỏa thuận bằng văn bản cử người đại diện ký hợp đồng góp vốn bằng nhà ở.

2.3. Góp vốn bằng nhà ở đang cho thuê

Điều 152 Luật Nhà ở 2014 quy định: Chủ sở hữu nhà ở đang cho thuê phải thông báo cho bên thuê biết trước về góp vốn nhà bằng văn bản. Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê nhà đến hết hạn hợp đồng thuê nhà với bên góp vốn, trừ khi có thỏa thuận khác.

3. Điều kiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định điều kiện để thực hiện quyền của người sử dụng đất trong đó có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất, như sau:

“a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

  1. b) Đất không có tranh chấp;
  2. c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  3. d) Trong thời hạn sử dụng đất.”

Trong trường hợp người sử dụng đất muốn góp vốn bằng một phần diện tích đất thì căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 nêu rõ: Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất

Như vậy, có thể thấy, nhà đất, căn hộ chung cư có thể được sử dụng là tài sản góp vốn và nếu đảm bảo các điều kiện luật định thì cá nhân/tổ chức có quyền góp vốn bằng nhà đất, căn hộ chung cư.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan về Góp vốn bằng nhà đất, căn hộ chung cư được không? VLM Law Firm gửi đến bạn đọc.


Nếu bạn cần Tư vấn hoặc Hỗ trợ Dịch vụ trọn gói, vui lòng liên hệ với VLM Law Firm thông qua các kênh sau:

  • Số điện thoại: 0977 364 568 (có thể nhắn trên Zalo)
  • Đến trực tiếp tại Văn phòng: 14 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Hoặc bạn BẤM VÀO ĐÂY để điền thông tin, VLM Law Firm sẽ gọi lại cho bạn nhé!
5/5 - (1 bình chọn)
VLM: