TTS pháp lý: Nguyễn Vũ Thanh Hoa
Vấn đề liên quan đến nghỉ phép luôn là mối quan tâm của người lao động vì đây là một trong những quyền lợi của họ trong quá trình làm việc theo hợp đồng lao động. Và câu hỏi người lao động thường hay thắc mắc là Nghỉ phép không thông báo trước được không? Nếu người lao động muốn biết, hãy đọc bài viết sau đây của VLM để có thể giải đáp câu hỏi này.
1. Khái niệm ngày nghỉ phép
Ngày nghỉ phép được hiểu là một quyền lợi của người lao động khi có đủ 1 năm làm việc cho người sử dụng lao động; đối với những ngày này, người lao động sẽ được nghỉ những vẫn được hưởng nguyên mức lương theo hợp đồng lao động. Tùy vào quy định của doanh nghiệp và tính chất công việc khác nhau mà người lao động sẽ được hưởng chế độ nghỉ phép khác nhau. Số ngày nghỉ phép trong năm chính là khoảng thời gian mà người lao động được quyền nghỉ ngơi (trừ ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ tết hoặc nghỉ không hưởng lương hoặc nghỉ do có việc riêng).
2. Quy định của pháp luật về chế độ nghỉ phép
– Căn cứ theo Khoản 1 Điều 113 Bộ luật lao động 2019:
“1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.”
Có thể thấy pháp luật không giới hạn số ngày nghỉ của mỗi lần nghỉ phép. Tuy nhiên, tổng thời gian nghỉ phép của các lần trong năm không được vượt quá số ngày phép theo quy định trên.
– Căn cứ Khoản 4 Điều 113 Bộ luật lao động 2019 ghi nhận người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.
Ngoài ra theo Điều 114 Bộ luật lao động 2019, người lao động có thâm niên làm việc cứ đủ 5 năm cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm sẽ được tăng thêm tương ứng 1 ngày phép.
3. Người lao động nghỉ phép không thông báo trước được không?
Theo Bộ luật lao động 2019 và các quy định của các văn bản pháp luật khác thì không có quy định về thời gian báo trước khi xin nghỉ phép.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 4 Điều 113 Bộ luật lao động 2019 có quy định rằng Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Theo đó, người lao động sẽ có lịch nghỉ hằng năm cụ thể do người sử dụng lao động quyết định. Đến ngày nghỉ được ghi nhận trong lịch nghỉ hằng năm, người lao động được nghỉ phép mà không cần báo trước.
Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động trong trường hợp muốn nghỉ phép với thời gian linh hoạt hơn. (Do đây là thuộc về quan hệ pháp luật lao động nên pháp luật luôn đặt sự bình đẳng thỏa thuận lên hàng đầu, pháp luật luôn khuyến khích doanh nghiệp thực hiện những chính sách có lợi hơn cho người lao động)
Từ những nội dung trên, thì ta có thể nhận thấy người lao động nghỉ phép thì không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động trong việc đảm nhiệm, bố trí phân công người làm thay thế cho công việc của người nghỉ, người lao động cần thông báo trước cho người sử dụng lao động. Pháp luật không điều chỉnh về việc báo trước khi nghỉ phép nên thời gian báo trước bao lâu sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên mà không giới hạn số ngày báo trước.
Nếu bạn cần Tư vấn hoặc Hỗ trợ Dịch vụ trọn gói, vui lòng liên hệ với VLM Law Firm thông qua các kênh sau:
- Số điện thoại: 0977 364 568 (có thể nhắn trên Zalo)
- Đến trực tiếp tại Văn phòng: 14 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hoặc bạn BẤM VÀO ĐÂY để điền thông tin, VLM Law Firm sẽ gọi lại cho bạn nhé!