TTS pháp lý: Hồ Thị Ngọc Nhi
Hiện nay, Việt Nam đang là thị trường nhận được nhiều sự quan tâm của các Nhà đầu tư nước ngoài bởi những ưu điểm như nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào,… Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút được 6,17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, để tham gia vào thị trường Việt Nam, Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư thông qua những hình thức nào? Hãy cùng VLM Law Firm tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
1. Nhà đầu tư nước ngoài là gì?
Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài hoặc tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. (Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)
2. Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam bằng những hình thức nào?
Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam thông qua 05 hình thức sau đây (Quy định tại Điều 21, Luật Đầu tư 2020):
(i) Hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
(ii) Hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
(iii) Thực hiện dự án đầu tư
(iv) Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
(v) Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ
3. Nội dung của một số hình thức cụ thể
3.1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
– Đối với Nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020. Cụ thể, nhà đầu tư có thể áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường tương tự với quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Ngoại trừ các trường hợp đăng ký ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì cần đáp ứng thêm các điều kiện tiếp cận thị trường về:
– Hình thức đầu tư;
– Phạm vi hoạt động đầu tư;
– Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
– Năng lực của nhà đầu tư và các đối tác tham gia thực hiện dự án (nếu có);
– Các điều kiện khác theo quy định hiện hành.
Lưu ý: Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(Quy định tại Điều 22, Luật Đầu tư 2020)
3.2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Theo quy định tại Điều 24 của Luật Đầu tư 2020, Nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Tuy nhiên nhà đầu tư cần phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:
Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng được các điều kiện tiếp cận thị trường quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020.
Thứ hai, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu tư 2020.
Thứ ba, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận, quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Căn cứ theo quy định tại Điều 25, Luật Đầu tư 2020, để đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư có thể thực hiện dưới những hình thức sau đây:
Đầu tư góp vốn của tổ chức kinh tế | Đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế |
– Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
– Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; – Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc 02 trường hợp trên. |
– Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
– Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn; – Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh; – Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc 03 trường hợp trên. |
3.3. Thực hiện dự án đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài có thể ký kết hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership – sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP)
Đây là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP. (Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020)
Căn cứ Khoản 1 Điều 14 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 có quy định về việc lựa chọn dự án và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP, theo đó điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP là:
– Sự cần thiết đầu tư;
– Thuộc lĩnh vực quy định tại pháp luật và đáp ứng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu mà luật định;
– Không trùng lặp với dự án PPP đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án;
– Có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác;
– Có khả năng bố trí vốn nhà nước trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn nhà nước.
3.4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (còn gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế. (Căn cứ Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)
Căn cứ Điều 27 Luật Đầu tư 2020 quy định về đầu tư theo hợp đồng BCC bao gồm:
– Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài.
– Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư nước ngoài. (Đối với trường hợp này cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 Luật Đầu tư 2020.)
Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
Nếu bạn cần Tư vấn hoặc Hỗ trợ Dịch vụ trọn gói, vui lòng liên hệ với VLM Law Firm thông qua các kênh sau: