TTS pháp lý: Nguyễn Kim Ngân
Với tình hình kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng đang trong giai đoạn khó khăn, nhất là sau khi đại dịch COVID – 19 đi qua để lại những hậu quả nặng nề. Nhiều Doanh nghiệp trên thị trường rơi vào trường hợp thiếu dòng tiền để duy trì các hoạt động của tổ chức dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả cho các chủ nợ. Vậy câu hỏi đặt ra rằng, liệu Công ty không có tiền để trả nợ thì sẽ giải thể hay phá sản? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc góc nhìn của VLM về vấn đề trên.
1. Giải thể là gì?
Theo quy định tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp sẽ bị giải thể trong 04 trường hợp sau đây:
Một là, kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn thì doanh nghiệp sẽ bị giải thể.
Hai là, doanh nghiệp giải thể theo nghị quyết, quyết định của:
– Chủ doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp tư nhân;
– Hội đồng thành viên nếu là công ty hợp danh;
– Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn;
– Đại hội đồng cổ đông nếu là công ty cổ phần.
Ba là, công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì sẽ bị giải thể.
Bốn là, Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng quy định Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy, nếu công ty không có tiền trả nợ thì không thể đáp ứng yêu cầu về giải thể doanh nghiệp là phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác. Do đó, trong trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán các khoản nợ, doanh nghiệp không thể giải thể.
2. Phá sản là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật phá sản năm 2014 thì phá sản là tình trạng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Mất khả năng thanh toán là hiện tượng doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Như vậy, Công ty không có tiền trả nợ được coi là phá sản khi có đủ 03 điều kiện Luật định:
– Không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ;
– Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán;
– Bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.
3. Công ty không có tiền để trả nợ thì nên chọn giải thể hay phá sản?
Chiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Phá sản năm 2014 thì Công ty không có tiền để trả nợ có thể mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, dù Công ty có mất khả năng chi trả và mở thủ tục phá sản thì Công ty này cũng chưa chắc đã phá sản vì nếu áp dụng thủ tục phục hồi và phục hồi được thì Công ty vẫn có thể hoạt động bình thường và trả được các khoản nợ.
Như vậy, khi Công ty không có tiền để trả nợ thì không thể giải thể theo quy định của pháp luật Doanh nghiệp nhưng có thể giải quyết theo con đường phá sản.
Trên đây là góc nhìn của VLM về vấn đề Công ty không có tiền để trả nợ thì giải thể hay phá sản.
Nếu bạn cần Tư vấn hoặc Hỗ trợ Dịch vụ trọn gói, vui lòng liên hệ với VLM Law Firm thông qua các kênh sau:
- Số điện thoại: 0977 364 568 (có thể nhắn trên Zalo)
- Đến trực tiếp tại Văn phòng: 14 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hoặc bạn BẤM VÀO ĐÂY để điền thông tin, VLM Law Firm sẽ gọi lại cho bạn nhé!