ĐIỀU KIỆN NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI PHẢI ĐÁP ỨNG KHI THỰC HIỆN ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM?

TTS pháp lý: Nguyễn Kim Ngân

Trong điều kiện kinh tế hội nhập như hiện nay, Việt Nam luôn tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài so với nhà đầu tư trong nước. Bài viết sau đây của VLM sẽ cung cấp cho bạn thông tin về Điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi đầu từ tại Việt Nam.

ĐIỀU KIỆN NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI PHẢI ĐÁP ỨNG KHI ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM

1. Quy định chung của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

a. Chủ thể đầu tư là nhà đầu tư nước ngoài

Theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài gồm:

– Cá nhân có quốc tịch nước ngoài;

– Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài.

Những chủ thể này thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thông qua vốn đầu tư. Theo quy định tại khoản 23 Điều này, vốn đầu tư là “tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.

b. Ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư

Căn cứ theo Điều 6 và điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư 2020, trừ những ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh thì đối với các ngành, nghề còn lại nhà đầu tư nước ngoài được phép thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Lưu ý:

  • Đối với nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thì được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
  • Nếu nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước thì nhà đầu tư này không được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài (khoản 2 Điều 16 Nghị định 31/2021/NĐ-CP).

2. Điều kiện đối với ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện 

Căn cứ theo khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư 2020, Điều 15 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường sau:

a. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế

Khoản 10 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư được áp dụng như sau:

– Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể.

– Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại Điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó.

– Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

– Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà Điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất.

b. Hình thức đầu tư

– Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế: Thực hiện theo Điều 22 Luật Đầu tư 2020.

– Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp: Thực hiện theo Điều 24, 25, 26 Luật Đầu tư 2020.

– Thực hiện dự án đầu tư: Thực hiện theo Chương IV về Thực hiện dự án đầu tư của Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Mục 2 Chương IV Luật Đầu tư 2020.

– Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC: Thực hiện theo Điều 27, 28 Luật Đầu tư 2020.

– Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP: Thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020

c. Phạm vi hoạt động đầu tư

– Đối với ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài: Nhà đầu tư nước ngoài không được phép thực hiện đầu tư kinh doanh theo Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Mục A Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

– Đối với ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài: Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư đối với các ngành, nghề theo Danh Mục B Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

– Đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh còn lại: Được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, theo khoản 1 Điều 9 Luật Đầu tư 2020.

d. Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư

– Năng lực của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp này được hiểu là năng lực tài chính của nhà đầu tư, là khả năng đảm bảo về nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư kinh doanh của mình.

Khi nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện hoạt đồng đầu tư ở Việt Nam cần chứng minh năng lực tài chính của mình để đảm bảo hoạt động đầu tư đó được diễn ra thuận lợi và đạt được mục tiêu.

– Về đối tác thực hiện hoạt động đầu tư: Thực hiện theo các quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.

e. Điều kiện khác theo quy định của pháp luật Việt Nam 

Ngoài những điều kiện trên, theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài còn phải đáp ứng một số điều kiện sau (nếu có) khi đầu tư vào Việt Nam:

– Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;

– Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;

– Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;

– Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;

– Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;

– Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

3. Điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Căn cứ theo khoản 6 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư vào các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV Luật này thì phải đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo các hình thức sau:

a. Giấy phép

Giấy phép là loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiến hành một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh nhất được.

Ví dụ: Giấy phép kinh doanh xăng dầu; Giấy phép kinh doanh vận tải ô tô,…

b. Giấy chứng nhận

Giấy chứng nhận là hình thức xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà đầu tư nước ngoài đã thỏa mãn các điều kiện luật định để tiến hành một số hoạt động kinh doanh nhất định.

Ví dụ: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thú ý; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược,…

c. Chứng chỉ

Chứng chỉ là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho nhà đầu tư nước ngoài có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm ở một lĩnh vực, ngành nghề nhất định.

Ví dụ: Chứng chỉ hành nghề Luật sư, Chứng chỉ hành nghề thú y,…

d. Văn bản xác nhận, chấp thuận

Văn bản xác nhận, chấp thuận là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm xác nhận hay chấp thuận một điều kiện đầu tư kinh doanh nào đó. 

Thông thường, văn bản này thể hiện ở dạng văn bản xác nhận vốn pháp định đối với một số ngành, nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định.

Ngoài ra còn có các yêu cầu khác mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Trình tự xem xét các điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng trước khi thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam được thể hiện theo sơ đồ như sau:

Trình tự xem xét điều kiện đầu tư
Trình tự xem xét điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

Như vậy, khi một nhà đầu tư nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Việt Nam thì cần phải hiểu rõ quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh cho đúng quy định và đáp ứng đủ các điều kiện luật định.


Nếu bạn cần Tư vấn hoặc Hỗ trợ Dịch vụ trọn gói, vui lòng liên hệ với VLM Law Firm thông qua các kênh sau:

  • Số điện thoại: 0977 364 568 (có thể nhắn trên Zalo)
  • Đến trực tiếp tại Văn phòng: 14 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Hoặc bạn BẤM VÀO ĐÂY để điền thông tin, VLM Law Firm sẽ gọi lại cho bạn nhé!
5/5 - (31 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *